Dị ứng da là gì? Dị ứng da (hay còn gọi là dị ứng da eczema) là tình trạng viêm da, làm cho da bị khô, phát ban đỏ đóng vảy thường rất ngứa. Đối với da sậm màu thì các đốm này có màu tím đậm hay nâu và đặc điểm nổi bật là da trở nên sần sùi. Da có thể rỉ nước và đóng vảy. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ sau 2-4 tháng tuổi. Dị ứng da thường được cải thiện đối với hầu hết các trẻ em khi lớn dần.
Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định, nhưng nó được tìm thấy là có liên quan với tình trạng dị ứng da của bệnh hen suyễn hay dị ứng với phấn hoa. Bệnh có nhiều khả năng để phát triển hơn nếu như các thành viên khác trong gia đình đã mắc phải dị ứng da eczema, hen suyễn hay dị ứng với phấn hoa.
Dị ứng da nổi lên ở đâu?
Dị ứng da eczema bắt đầu nổi lên ở trẻ sơ sinh. Nó thường xuất hiện đầu tiên ở 2 bên má làm da bị viêm và khô. Da có thể trở nên đỏ hoặc ửng màu tím, nâu, thậm chí là màu trắng ở những người có làn da sậm màu. Sau đó có thể xuất hiện ở trán và da đầu.
Khi lớn dần, dị ứng có chiều hướng xuất hiện trện cơ thể, cánh tay trước cùi chỏ hoặc ở chân phía sau đầu gối. Nó cũng có thể nổi lên ở cố tay và cổ chân. Khi trẻ lớn lên, phát ban ít có khả năng nổi lên mặt nhưng có thể nổi lên phía sau tai và xung quanh mắt
Nguyên nhân gây bệnh?
Như đã trình bày ở trên, dị ứng da có liên quan với các tình trạng dị ứng khác, nhưng trong hầu hết các trường hợp, người ta không tìm thấy bất kỳ một chất nào gây ra bệnh eczema. Một số yếu tố có thể làm cho tình trạng dị ứng da trở nên trầm trọng:
- Tiếp xúc với chất kích thích hoặc chất gây khô da như xà phòng, thuốc tẩy hay dầu gội.
- Thời tiết lạnh khiến da trở nên khô
- Nhiễm trùng thứ phát
- Căng thẳng thần kinh
Mặc dù nhiều người nghĩ rằng có nhiều thứ trong thức ăn có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn, nhưng đối với hầu hết trẻ em, để xác định một loại thức ăn nào đó gây ra tình trạng dị ứng da là điều rất khó khăn.
Phòng ngừa và điều trị bằng cách nào?
Những điều nên tránh
- Không chà xát và gãi vì sẽ làm cho mẩn đỏ trở nên tệ hơn và ngứa hơn
- Xà phòng, thuốc tẩy và nước hoa là những sản phẩm làm khô da
- Tắm rửa quá nhiều cũng làm khô da
- Tắm quá lâu trong bồn hay vòi nước nóng vì nước nóng sẽ kích thích da nhiều hơn và làm khô da
- Tránh nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh
- Sử dụng mền làm cho trẻ bị nóng và làm cho da dị ứng và ngứa
- Quần áo có chất liệu như len sẽ làm cho da ngứa khi tiếp xúc
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với len như mền, thảm và lông trừu
Những điều nên làm
- Dùng dầu tắm thay cho xà phòng để làm sạch da
- Thường xuyên sử dụng kem làm mềm da như sorbolene hay queous, đặc biệt là sau khi tắm
- Sau khi tắm, làm khô da bằng cách chậm nhẹ nhàng và không chà xát.
- Thay quần áo trong phòng ấm vào mùa đông
- Giữ phòng ngủ mát mẻ vào mùa hè
- Mặc quần áo rộng bằng vải cotton hay chất tổng hợp
- Cắt bỏ nhãn hiệu của quần áo
- Dùng loại tã tốt dễ thấm nước và nên thay tã thường xuyên cho bé.
Nếu tình trạng dị ứng da trầm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc có chứa cortisone. Thông thường, kem hay thuốc mỡ có chứa cortisone liều lượng thấp được sử dụng khi eczema đang hoạt động và ngưng sử dụng khi tình trạng dị ứng da đã chấm dứt. Nên tiếp tục dùng kem làm mềm da ngay cả khi tình trạng dị ứng da đã được kiềm chế.
Nếu tình trạng dị ứng da bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh. Dùng siro có chất kháng histamin có tác dụng giảm ngứa, đặc biệt ngứa xảy ra vào ban đêm và gây chứng mất ngủ.
Vấn đề kiêng ăn trong việc điều trị dị ứng da thường không rõ ràng và kết quả của chế độ ăn kiêng đặc biệt ở hầu hết trẻ em đều không mang lại kết quả hữu hiệu. Mặc dù việc tìm hiểu về ăn uống không gây hại nhưng nên hỏi ý kiến của những người có kiến thức tốt về bệnh eczema cũng như hiểu rõ các nhu cầu về dinh dưỡng cho trẻ em.