Nốt ruồi thực chất là điểm tập trung nhiều sắc tố melamin (tế bào hắc tố, có mầu nâu hoặc đen). Tùy theo mật độ tập trung mà nốt ruồi có nhiều kích thước khác nhau. Thông thường nốt ruồi hay mọc đơn lẻ hoặc tập trung 2-3 cái một chỗ, thường mọc ở chỗ da hở.
Bình thường nốt ruồi là u lành tính, không gây nguy hại đến sức khỏe, chỉ gây ảnh hưởng thẩm mỹ, hoặc liên quan đến tướng số (theo quan niệm của một số người). Khi nốt ruồi phát triển bất thường về kích thước, tính chất (đau, loét, chảy dịch…) hoặc biến chứng do tác động thô bạo đến nó như tầy bằng hóa chất, loại bỏ bằng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, không đúng cách… có thể gây ung thư.
Nốt ruồi ở mặt hay ở bất cứ nơi nào khác trên cơ thể đều xóa được bằng nhiều cách: có thể đốt bằng dao điện cao tần, la-se hay cắt bỏ giống như một khối u thông thường. Nhưng dù làm cách nào thì việc xoá nốt ruồi cũng là một thủ thuật ngoại khoa, nên người thực hiện phải có kiến thức về phẫu thuật thẩm mỹ. Hiểu rõ rằng các kỹ thuật phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng tuyệt đối. Nếu kỹ thuật không được thực hiện đúng sẽ để lại hậu quả nhiễm trùng, sẹo xấu, sẹo lõm.
Trong một số trường hợp nếu nốt ruồi quá to, phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ. Bởi nếu sử dụng kỹ thuật đốt hoặc tẩy thì với nốt ruồi lớn chắc chắn sẽ để lại sẹo lớn.
Bác sĩ cần khám và có chỉ định chính xác trong từng trường hợp cụ thể trước khi quyết định phương pháp.
Bác sĩ thẩm mỹ sẽ biết vị trí cắt nào cần phải thận trọng và cách phân biệt nốt ruồi bình thường với ung thư tế bào da như thế nào.
Sau khi xoá nốt ruồi, tổ chức tại chỗ tự phục hồi, một số trường hợp hầu như không thấy dấu vết.
Hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo, muốn làm mất nốt ruồi, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa, có uy tín để được tư vấn, thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi tẩy nốt ruồi nếu thấy có biểu hiện loét, sưng tấy, ngứa, rỉ máu… cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị. Những người có quá nhiều nốt ruồi trên cơ thể, nhất là những nốt ruồi có kích thước to nên đi khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các u hắc tố.
Các quy trình tẩy nốt ruồi:
Bước 1: Kiểm tra tình trạng, vị trí nốt ruồi, phân biệt giữa nốt ruồi lành tính với có dấu hiệu bệnh.
Bước 2: Làm sạch và gây tê cục bộ vùng cần điều trị
Bước 3: Xóa bỏ nốt ruồi bằng phương pháp phù hợp được lựa chọn sau khi thăm khám.
Bước 4: Chườm lạnh vùng đã điều trị, bôi kem tái tạo da thúc đẩy quá trình hồi phục.
Chăm sóc sau khi tẩy nốt ruồi:
- Tránh tiếp xúc ánh nắng, mỹ phẩm trong vòng 5 ngày đầu sau khi xóa nốt ruồi.
- Không ăn trứng, rau muống trong vòng 10 ngày đầu.
- Sử dụng thuốc và thực hiện chăm sóc sau tẩy nốt ruồi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Nốt ruồi hoàn toàn không gây hại cũng như không có tác động lớn tới sức khỏe. Nếu nốt ruồi xuất hiện nhiều ở những vùng dễ thấy thường gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu như nốt ruồi mọc nhiều, từng chùm ở một vùng da nào đó hay có những thay đổi cấu trúc bất thường thì đó có thể ẩn dấu tiềm tàng những căn bệnh nguy hiểm khác. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về những thay đổi ở nốt ruồi trên cơ thể bạn, bạn nên nhờ cậy đến bác sĩ hay các trung tâm da liễu để được kiểm tra, chuẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.